Tăng cường kiểm soát môi trường tại các khu công nghiệp trên cả nước

Posted on Tin tức 3266 lượt xem

Tăng cường kiểm soát môi trường tại các khu công nghiệp trên cả nước

19/05/2020

Trong số 280 khu công nghiệp đang hoạt động (20 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế), 250 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định, đạt 89,28%.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, cả nước đã hình thành 375 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97,8 nghìn ha. Trong số đó, 280 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 9.114 dự án trong nước, 9.022 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2 triệu tỷ đồng và 183,2 tỷ USD.

Các khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện nhiều khu công nghiệp đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật

Đề cập hệ thống pháp luật Việt Nam về công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp nói riêng, tiến sỹ Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường đã thực hiện theo hướng đồng bộ và toàn diện, đồng thời tiệm cận với các thông lệ, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Tiêu biểu như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Tài nguyên nước 2012…

Tính đến tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành 14 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 Quyết định, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan ban hành 54 Thông tư, Thông tư liên tịch, 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường là công cụ để quản lý và kiểm soát ô nhiễm khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, trong đó có 11 văn bản của Tỉnh ủy, 51 Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố, 212 quyết định và 42 Chương trình, Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện cả nước có 29 địa phương ban hành cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 8 quy chuẩn địa phương (Hà Nội có 5 quy chuẩn; Hưng Yên 2; Bắc Ninh 1) và một số địa phương đang trong quá trình xây dựng.

Nhờ đó, công tác bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp đã từng bước được các cấp, ngành, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng quan tâm, chú trọng. Các khu công nghiệp đã góp phần hạn chế phân tán cơ sở sản xuất công nghiệp, di dời cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ nội đô, làng nghề vào khu công nghiệp được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt đối với việc xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải.

Trong số 280 khu công nghiệp đang hoạt động (20 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế), 250 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định, đạt 89,28%.

Đặc biệt, 100% khu công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt; 219 khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, đạt 87,6%. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy tập trung đạt 1.031.000 m3/ngày, 8 quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.

Hơn nữa, các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi sang mô hình phát triển theo hướng cân bằng kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Kiện toàn bộ máy gắn với thanh tra, kiểm tra

Theo đánh giá của tiến sỹ Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, bộ máy quản lý bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp ở các địa phương cơ bản đã được hình thành, phân cấp thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền.

Ban Quản lý khu công nghiệp có chức năng quản lý nhà nước; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp.

Hằng năm, các khu công nghiệp đang hoạt động phát sinh 643.865 tấn chất thải nguy hại, 4.124.372 tấn chất thải rắn thông thường. Ban Quản lý các khu công nghiệp đã quan tâm đến việc hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp thứ cấp quản lý chất thải rắn, đảm bảo chất thải được thu gom, bàn giao cho các đơn vị có chức năng xử lý. Việc xử lý khí thải do các doanh nghiệp thứ cấp tự thực hiện, nhưng Ban Quản lý các khu công nghiệp thường xuyên thực hiện giám sát định kỳ chất lượng môi trường không khí.

Với định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển khu công nghiệp sinh thái, đã được thể chế hóa tại Nghị định số 82/NĐ-CP, một số khu công nghiệp thí điểm chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch; gắn kết hoạt động với bảo vệ môi trường.

Hiện cả nước có 4 khu công nghiệp thí điểm gồm: Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình); Hòa Khánh (Đà Nẵng); Trà Nóc (Cần Thơ).

Tại các khu công nghiệp này, doanh nghiệp đã tham gia vào sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần giảm phát thải. Nhìn chung, các khu công nghiệp đang hoạt động đã tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường như hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải tập trung.

Công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp đã và đang được các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Các Ban Quản lý khu công nghiệp đều bố trí nhân sự làm công tác bảo vệ môi trường.

Nhiều địa phương có Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý khu công nghiệp và các ngành chức năng có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đều có bộ phận phụ trách về môi trường, hoặc bố trí cán bộ có chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát môi trường.

Các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp có bộ phận chuyên môn, hoặc nhân sự có chuyên môn phù hợp phụ trách về bảo vệ môi trường tùy theo quy mô hoạt động và các vấn đề môi trường phát sinh.

Để tăng cường công tác kiểm soát môi trường tại các khu công nghiệp trên cả nước, công tác thanh tra, kiểm tra được xem là công cụ đắc lực trong công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Giai đoạn 2015-2019, các Bộ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 4.614 lượt cơ sở, trong đó có các khu công nghiệp, cơ sở trong khu công nghiệp với tổng số tiền gần 301 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, các vi phạm chủ yếu tập trung vào các hành vi: không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; thiếu báo cáo giám sát chất thải định kỳ; lưu giữ và chuyển giao chất thải không đúng quy định.

Một số cơ sở thứ cấp xả nước thải vượt tiêu chuẩn tiếp nhận của chủ đầu tư khu công nghiệp… qua đó các cơ sở vi phạm buộc phải khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

2 thoughts on “Tăng cường kiểm soát môi trường tại các khu công nghiệp trên cả nước

  1. game of thrones says:

    Hinc ceteri particulas arripere conati suam quisque videro voluit afferre sententiam. Sed ea mala virtuti magnitudine obruebantur. Quae in controversiam veniunt, de iis, si placet, disseramus. Donny Burch Treharne

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *