(TN&MT) – Đây là quy định đề ra đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái chất lượng môi trường không khí, theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, vừa được Bộ TN&MT công bố để lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương…
Đánh giá, kiểm soát các nguồn phát thải
Tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ TN&MT đề xuất các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát. Theo đó, nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải.
Việc quản lý nguồn phát thải gắn chặt với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Cụ thể, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
“Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường, có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật”, – Điều 70 về quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh của Dự thảo ghi rõ.
Cũng theo dự thảo này, việc xem xét, quyết định đầu tư dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường.
Thực hiện quan trắc bụi, khí thải định kỳ
Tại Chương IX quy định về quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường, Bộ TN&MT đề nghị, Dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có tổng lưu lượng khí thải thải ra môi trường từ 5.000 m3 khí thải/giờ trở lên (theo tổng công suất thiết kế của các hệ thống, thiết bị xử lý bụi, khí thải hoặc theo lưu lượng khí thải đã được xác định trong giấy phép môi trường), phải thực hiện quan trắc bụi, khí thải định kỳ với tần suất là 3 tháng/1 lần.
Đối tượng có tổng lưu lượng khí thải thải ra môi trường từ 5.000 m3 khí thải/giờ trở lên (theo tổng công suất thiết kế của các hệ thống, thiết bị xử lý bụi, khí thải hoặc theo lưu lượng khí thải đã được xác định trong giấy phép môi trường), phải thực hiện quan trắc bụi, khí thải định kỳ với tần suất là 6 tháng/1 lần.
Đồng thời, khuyến khích các cơ sở không thuộc đối tượng quy định của 2 trường hợp trên thực hiện quan trắc bụi, khí thải định kỳ, làm cơ sở để đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về khí thải. Trường hợp bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, phải rà soát lại hệ thống, thiết bị xử lý bụi, khí thải hoặc cải tạo, nâng cấp hệ thống, thiết bị xử lý bụi, khí thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả thải ra môi trường.
Các đối tượng phải thực hiện quan trắc bụi, khí thải tự động, liên tục gồm: Dự án, cơ sở thuộc danh mục các nguồn thải khí thải lưu lượng lớn; các lò đốt chất thải nguy hại; các lò đốt chất thải của cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung của khu vực, tỉnh hoặc liên huyện; khí thải của các cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; các đối tượng khác do UBND cấp tỉnh quyết định.
Các đối tượng này phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, có camera theo dõi, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT theo quy định.
UBND tỉnh phải lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí
Để đảm bảo việc quản lý chất lượng môi trường không khí, dự thảo Luật đề xuất trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý..
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí; chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí và thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về chất lượng môi trường không khí.
Về phía địa phương, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là phê duyệt và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên địa bàn; thường xuyên đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.
Bộ TN&MT sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) để đánh giá chất lượng môi trường không khí; hướng dẫn việc lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các địa phương. |
Theo dự thảo Luật quy định, kế hoạch quản lý chất lượng không khí sẽ gồm 6 nội dung chính, đó là: Đánh giá chất lượng không khí; xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; đánh giá hiện trạng quản lý chất lượng không khí bao gồm quan trắc chất lượng không khí, xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính, kiểm kê phát thải, mô hình hóa chất lượng không khí, tổ chức nhân sự, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra; đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; phân tích, nhận định các vấn đề còn tồn tại; xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.